You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Admin

—♥Administrator

Admin

—♥Administrator
Khoảng 2 năm trở lại đây, diện tích cây cam vinh- loại cây vẫn được xem là “đặc sản” của huyện Văn Giang có dấu hiệu sụt giảm mạnh về diện tích cũng như sản lượng. Nếu như những năm trước, thời điểm này đang là thời kỳ quan trọng được các nhà vườn tập trung chăm sóc cây cam vinh, chuẩn bị cho mùa thu hoạch quả thì hiện nay tại nhiều vườn cam ở Văn Giang như vắng vẻ hơn.

Giảm diện tích do nhiều nguyên nhân

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Văn Giang, năm 2008 toàn huyện có gần 330 ha cam vinh nhưng đến năm 2010 chỉ còn khoảng 290 ha, trong khi đó thời kỳ cao điểm diện tích cam vinh của huyện lên tới hơn 500 ha.

“Trước kia vườn cam vinh gần 1 mẫu của gia đình tôi mỗi vụ thu hàng chục tấn quả, nhưng từ vài năm nay chúng tôi đã bỏ cây cam vinh để chuyển sang trồng một số cây khác”, ông Vũ Văn Trung- nông dân xã Tân Tiến (Văn Giang) cho chúng tôi biết. Nguyên nhân gia đình ông Trung và một số nhà vườn khác ở Tân Tiến phải bỏ cây cam vinh phần lớn là do trận mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng cuối năm 2008. Là cây không chịu được úng nên sau khi bị ngập nước dài ngày, không tiêu thoát kịp nên rất nhiều diện tích cam bị chết. Những cây còn sống thì năng suất, chất lượng quả cũng giảm hẳn nên giá trị kinh tế không cao, người dân đành phải chặt bỏ để trồng cây khác.

Cây chết thì có thể trồng cây mới, nhưng điều khiến các nhà vườn ở Tân Tiến nói riêng và Văn Giang nói chung “không mặn mà” với cây cam vinh nữa không chỉ do sự khắc nghiệt của thời tiết. Nhiều nhà vườn gắn bó lâu năm với cây cam vinh cho hay: Thời gian mới trồng, cam vinh được mùa, được giá, tiêu thụ dễ mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nhưng vài năm trở lại đây trong khi giá bán cam không tăng hoặc dao động rất ít thì giá các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cả phí thuê lao động, thuê mướn đất canh tác đều đã tăng từ 3- 4 lần, lấy công làm lãi cũng khó khăn nên mạnh nhà nào nhà ấy chọn loại cây khác để thay thế cây cam vinh với mục đích cho hiệu quả kinh tế cao hơn, an toàn hơn.

VÌ SAO DIỆN TÍCH CAM VINH Ở VĂN GIANG GIẢM MẠNH? Kinhte05082010
Chăm sóc cam vinh ở Văn Giang

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Ấu, Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến chúng tôi được biết, là một trong những địa phương có diện tích đất tự nhiên lớn trong huyện, cũng là địa phương có diện tích cam vinh lớn nhất, thu hút nhiều hộ tham gia trồng nhất nhưng vài năm nay, diện tích cam vinh của xã cũng “tuột dốc” khá nhanh. Nếu như năm 2008, toàn xã có khoảng 102 ha cam vinh thì sang năm 2009 chỉ còn hơn 63 ha và theo thống kê đến vụ xuân năm 2010 này chỉ còn khoảng trên 50 ha, không những vậy năng suất, sản lượng cũng đều kém đi so với thời gian trước. Trước đây, cây cam vinh đã thu hút hàng trăm hộ dân trong xã tham gia trồng, nhà nào ít cũng vài sào, nhà nào nhiều thì vài mẫu, nhưng đến nay trung bình mỗi hộ trồng cam vinh chỉ duy trì từ 2- 3 sào, kết hợp trồng xen với các loại cây ăn quả, cây cảnh hoặc cây màu ngắn ngày khác.

Thăm những vườn cam vinh ở Tân Tiến hiện nay có thể thấy rõ những biến động, xáo trộn. Có nhiều khu vực trước đây chuyên thâm canh cây cam vinh thì nay đã xanh màu của chuối, quất cảnh, rau màu… bởi một lẽ đơn giản là: những cây trồng ấy đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các nhà vườn ở đây hơn ai hết họ biết rằng, để trồng được một vườn cam vinh đến độ tuổi cho thu hoạch không hề đơn giản, nhưng trồng cây gì thì yếu tố quan trọng với họ vẫn là hiệu quả kinh tế. Ngoài những rủi ro do thời tiết, những biến động về giá cả thì còn một nguyên nhân nữa khiến những vườn cam vinh dần thưa thớt là sự gia tăng của sâu bệnh. Rệp và bệnh vàng lá gân xanh là những “tử thần” hàng đầu gây hại trên cây cam vinh. Bệnh vàng lá gân xanh lây lan rất nhanh, khó cứu chữa, cây nào đã nhiễm bệnh là năng suất sụt giảm, nhiễm nặng là phải chặt bỏ để tránh lây sang cây khác. Rệp trên thân, lá, quả thì phải phun phòng trừ liên tục cho cây, rất nhiều vườn phải phun thuốc trừ rệp tới 2- 3 lần trong một tháng vừa tốn tiền thuốc, vừa tốn phí lao động.

Cần có những giải pháp hữu hiệu

“Giảm diện tích nhưng phải tăng được năng suất, chất lượng” đó là mong muốn của anh Nguyễn Văn Thức, một chủ vườn cam ở xã Mễ Sở. Từ khoảng năm 2000, anh Thức đã áp dụng thành công phương pháp trồng cam chiết ghép để đem lại hiệu quả cao hơn. Học hỏi bạn bè, tham khảo các tài liệu về trồng và chăm sóc cây cam vinh, anh Thức đã ghép thành công mắt cam vinh vào thân bưởi, cho ra đời những cành cam vinh khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất chất lượng quả được cải thiện rõ rệt. “Thấy vườn cam của gia đình rất dễ bị tác động bởi thời tiết, sâu bệnh nên tôi đã học hỏi để ghép mắt cam. Đến nay phân nửa số cam vinh của gia đình tôi là cây ghép mắt thành công, cho khai thác quả đều đặn từ vài năm nay, nhiều cây to cho hàng tạ quả mỗi vụ”, anh Thức chia sẻ. Cũng nhờ vậy mà dù giá cam thấp nhưng gia đình anh vẫn có lãi và thu nhập ổn định. Học tập phương pháp này, rất nhiều hộ trồng cam ở Văn Giang đã tự tạo ra được những cây cam vinh ưu việt hơn, khỏe mạnh hơn, năng suất cao hơn mà chất lượng không thay đổi, được thị trường chấp nhận. Để có những cây cam vinh với gốc bưởi không khó nhưng đòi hỏi những kỹ thuật nhất định như: Chọn cây bưởi sạch bệnh, khỏe mạnh, đợi cây lớn đến giai đoạn thích hợp mới chọn mắt cam tốt để ghép. Những hộ đã làm thành công chia sẻ: để chất lượng cam ngon nên chọn những cây bưởi ngọt, cả cây chỉ nên ghép từ 3- 4 mắt, tạo thành 3- 4 cành là đủ, năm đầu khi cành ra quả thì nên cắt bỏ để cây tập trung nuôi cho cành khỏe, những năm sau sẽ cho thu hoạch bền.

Còn nhiều nhà vườn khác ở xã Tân Tiến lại chọn phương pháp trồng xen canh một số loại cây phù hợp vào diện tích cam vinh để có thêm thu nhập. “Tuy không còn được lãi nhiều nữa nhưng cây cam vẫn là cây đặc sản rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, gia đình tôi đã phải dày công mới vun trồng được vài trăm gốc, nếu chặt bỏ thì thật không đành lòng”, chị Hiền, một chủ vườn cam tâm sự. Thế nên đã từ vài năm nay, quanh gốc cam của gia đình chị có thêm những cây địa liền xanh tốt đan xen. Chị cho hay, loại cây này là một vị thuốc được thương lái thu mua với giá khá ổn định, không mất công chăm bón, hơn nữa cây chỉ nằm sát mặt đất không những không ảnh hưởng tới cam, giảm hẳn các loại cỏ gây hại mà mỗi năm còn đem lại khoảng gần 1 triệu/sào. Số tiền từ bán củ địa liền gia đình chị lại sử dụng để tái đầu tư cho cây cam, chi phí các khoản trong sản xuất. Ngoài ra, các hộ trồng cam cũng lựa chọn việc trồng xen một số rau màu ngắn ngày phụ trợ khác như: ngô, đỗ, cà… để vừa giữ được cây cam vinh, vừa bảo đảm được kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, các nhà vườn cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao hiểu biết khoa học kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh đúng lúc mà vẫn tiết kiệm và hiệu quả. Bằng việc theo dõi thường xuyên sự phát triển của cây trồng, sự sinh sôi của sâu bệnh, chủ vườn lựa chọn thời điểm phun thuốc hợp lý, giảm mật độ và liều lượng thuốc. Làm tốt việc này không những có thể giúp người trồng cam vinh bớt một phần chi phí mà còn làm giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây.
Cùng với những nỗ lực của người trồng cam vinh, sự vào cuộc của địa phương và ngành chức năng cũng vô cùng cần thiết để cam vinh Văn Giang có hướng phát triển ổn định, bền vững. Là địa phương có đồng đất phù hợp với cây cam, có lực lượng lao động dồi dào, có trình độ thâm canh nhiều năm lại có thị trường tiêu thụ rộng, Văn Giang cần thiết lập được đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu cho quả cam vinh để có hướng duy trì, phát triển diện tích phù hợp. Ngoài ra, những hỗ trợ về giống, vốn và KHKT, nhất là các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cần được chuyển giao, phổ biến kịp thời cho người làm vườn. Được biết, năm 2009 Phòng NN&PTNT huyện Văn Giang đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đưa vào thử nghiệm trồng hơn 3 mẫu cam chín muộn V2 ở một số xã trong huyện. Đây là giống cam mới có đặc điểm chín muộn vào thời điểm giáp tết, mẫu mã đẹp, vị ngọt thơm, hứa hẹn sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng. Những thành công bước đầu của chương trình thử nghiệm này đã mở ra những triển vọng mới góp phần tạo nên sự cạnh tranh giữa các giống cam đang có mặt tại địa phương, làm phong phú thêm “vựa cây có múi” nơi đây.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết